Mục tiêu xuất khẩu được ngành dệt may đặt ra trong năm 2012 là 19 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên đây được xem là nhiệm vụ không dễ đạt được bởi nhiều lý do.
2011: Tăng chủ yếu do giá nguyên liệu
Trong năm 2011, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 15,6 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 40% so với năm 2010. Đây được xem là thành công của ngành. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2011, chỉ riêng kim ngạch nhập khẩu vải, xơ sợi dệt và bông cho ngành này đạt gần 9,3 tỉ đô la Mỹ. Mặc dù, số vải nhập khẩu (6,73 tỉ đô la Mỹ) có thể không chỉ phục vụ riêng cho sản xuất xuất khẩu, nhưng cũng cho thấy tỷ lệ nhập của ngành là không nhỏ.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, chỉ tính riêng Sài Gòn 3 trong năm 2011 tổng doanh thu là 1.500 tỉ đồng, tăng cao so với mức 900 tỉ đồng trong năm 2010. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết trong buổi gặp mặt các thành viên Hiệp hội Dệt may Việt Nam hôm 6-3 rằng, sự tăng trưởng mạnh này chủ yếu do giá vải, nguyên vật liệu tăng cao trong năm rồi.
Không ít doanh nghiệp trong ngành dệt may cho rằng, năm nay xuất khẩu ngành dệt may có thể sẽ không có được sức đẩy của giá nguyên liệu như năm ngoái. Ông Nguyễn Ân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon), cho rằng, kim ngạch xuất khẩu may mặc năm 2011 lên hơn 15 tỉ đô la Mỹ một phần là do giá bông tăng, lên đến 5 đô la Mỹ/kg. Nhưng hiện nay giá bông này ở mức 2,8 đô la Mỹ/kg. Và, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Gia Định, ông Lê Đông Triều, năm nay giá bông có thể biến động không nhiều.
Dự báo khó khăn cả năm 2012
Về thị trường, nhiều doanh nghiệp cho rằng 2012 sẽ là thời gian thách thức cho ngành dệt may, chứ không phải chỉ sáu tháng đầu năm như từng được dự báo. Trong đó, thậm chí có những doanh nghiệp có tiếng trong ngành cũng rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng.
Bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Thành Công Group), cho biết công ty đánh giá tình hình thị trường sẽ khó khăn trong cả năm 2012, mặc dù trước đó có dự báo cho rằng có thể vào sáu tháng cuối năm doanh nghiệp sẽ đỡ khó khăn hơn.
Bà Huệ giải thích, dự báo về việc tình hình sẽ khả quan hơn vào sáu tháng cuối năm có thể do kỳ vọng đến thời gian này doanh nghiệp sẽ giải quyết được hết lượng nguyên liệu giá cao nhập khẩu trước đó.
Tuy nhiên, Công ty Thành Công cho rằng, đến nay tình hình thị trường nhìn chung vẫn khó khăn, chẳng hạn như đơn hàng dệt may xuất sang châu Âu vẫn giảm. Còn về thị trường Mỹ, công ty đã đến gặp khách hàng Mỹ, và nhận thấy tình hình cũng không mấy khả quan.
Trong khi đó, đại diện một tổng công ty may với 6.000 nhân công, có trụ sở tại quận Gò Vấp (TPHCM), chuyên xuất khẩu áo sơ mi, comple cao cấp, cho biết, trong năm 2011 tình hình ổn định, nhưng sang năm 2012, công ty nhận thấy có những dấu hiệu xấu.
Cụ thể, đầu năm nay công ty đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2012 là 25%, nhưng sau khi xây dựng xong kế hoạch thì công ty nhận thấy tình hình rất xấu. Sáu tháng đầu năm, tình hình đơn hàng chưa ổn thì công ty đã nhận được thông báo giảm 50% hàng đặt từ châu Âu cho sáu tháng cuối năm.
Do đó, công ty phải họp lại để phân tích tình hình và làm sao giữ được doanh thu như năm ngoái.
“Ngoài việc giảm đơn hàng, giảm tỷ trọng hàng FOB, giá cũng giảm, đồng thời một lúc rất nhiều thứ giảm. Với gần 6.000 lao động ở đây, nếu giảm như thế thì rất khó khăn”, đại diện tổng công ty này nói.
Theo kinhte24h.com