Lần đầu tiên những container hàng túi xách thời trang của một doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã được xuất cho Coach (Mỹ) - một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về túi xách thời trang.
Bốn tháng chạm đến giấc mơ
"Với túi xách thời trang, Coach luôn yêu cầu nhà cung cấp phải tham gia khâu phát triển sản phẩm. Làm tốt khâu này, TBS Group không chỉ nâng lên thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn được chủ động trong việc chọn nguyên liệu, tạo điều kiện tốt để kéo ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển"
Trước khi Coach tìm đến, TBS Group là đơn vị có thâm niên gần 20 năm xuất khẩu giày cho các thương hiệu nổi tiếng như Decathlon, Skecher, DC... vào thị trường EU và Hoa Kỳ.
Coach thừa biết TBS Group chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực túi xách, nhưng sau khi xem xét quy mô, hệ thống và phong cách làm việc chuyên nghiệp của ban điều hành TBS Group, Coach đã đặt vấn đề liệu TBS Group có thể sản xuất túi xách thời trang hay không?
"Tôi bắt đầu mơ về tương lai của túi xách Việt có thể vươn ra thị trường thế giới - ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch TBS Group, hóm hỉnh nói - Tôi đã mất ngủ hàng tuần liền. Bài toán cứ vang mãi trong đầu tôi là nên làm hay không làm. TBS sẽ được gì, mất gì? Nhưng rồi linh tính của một người đã sống trên 20 năm trong ngành giày mách bảo tôi rằng phải làm". Cái lo của ông hoàn toàn có cơ sở vì trong gần 1 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu túi xách hằng năm, hầu hết đều từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
Nếu tính cả thời gian Coach "ngắm nghía" TBS Group từ đầu năm 2011 đến khi hai bên chính thức ký hợp đồng hợp tác vỏn vẹn chỉ có bốn tháng. Nhưng để có bốn tháng "được" ngắm nghía đó, TBS Group phải chứng minh cho đối tác bằng uy tín của thương hiệu TBS, sự chuyên nghiệp trong sản xuất,... khi họ liên tục sang Việt Nam kiểm tra năng lực.
Đầu tháng 4/2011, TBS Group đã thuyết phục được Coach bằng dự án xây dựng nhà máy sản xuất túi xách mới toanh theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu mà Coach đề ra với quy mô 3.000 công nhân, bao gồm cả xưởng thiết kế và sản xuất mẫu. Không giống như ngành da giày hay may mặc, toàn bộ thiết bị sử dụng và công nghệ sản xuất cho nhà máy phải được đầu tư mới và rất đắt tiền.
Tháng 5/2011, nhà máy chính thức được khởi công, hợp đồng thử nghiệm đầu tiên 20.000 sản phẩm túi xách được giao trong tháng 10/2011 từ một xưởng nhỏ sản xuất thử. Theo kế hoạch, Coach sẽ mua hàng triệu sản phẩm theo năng lực sản xuất của TBS Group trong các năm tới, với công suất dự kiến có thể lên đến 5 triệu sản phẩm/năm.
Với giá xuất khẩu bình quân 40-50 USD/sản phẩm, nếu xét về mặt trị giá, rõ ràng sản xuất túi xách có mức doanh thu cao hơn hẳn so với sản xuất giày hoặc dệt may. Đại diện TBS Group tính toán doanh thu đạt được trên đầu người cho ngành túi xách sẽ cao hơn từ 30-50% nếu so với sản xuất giày.
Nắm bắt cơ hội
Nếu nhìn vào kế hoạch lâu dài mà Coach đặt kỳ vọng vào TBS Group khi dự kiến xây thêm nhà máy sản xuất túi xách thời trang thứ hai vào giữa năm 2012, nâng tổng công suất lên 7 triệu sản phẩm/năm, rõ ràng cơ hội đang đến không chỉ dừng lại với TBS Group. "Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt các cơ hội tương tự như thế nào, cần biết chuẩn bị nguồn lực, từ tài chính đến con người một cách bài bản" - Ông Thuấn chia sẻ.
Để có thể tự tin trở thành đối tác của Coach và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu cho các thương hiệu nổi tiếng của thế giới, ông Thuấn cho biết TBS Group đã bỏ ra khá nhiều công sức để cải tổ và tái cấu trúc toàn bộ hệ thống doanh nghiệp mình, trong đó quan trọng nhất là phải cấu trúc lại các nguồn lực.
Mặt khác, để cạnh tranh được với các nhà sản xuất khác, theo ông Thuấn, việc đầu tư vào công nghệ thiết bị là hết sức quan trọng, đặc biệt là đầu tư vào các máy may lập trình để có đường may đẹp và chính xác. Giá một máy lập trình dao động từ 14.000-36.000 USD. Chưa kể vật liệu cho túi xách cao cấp nói chung chủ yếu là các loại da cao cấp, rất đắt tiền, dễ bị tổn hại trong quá trình sản xuất như trầy xước, biến chất.
Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam - cho rằng trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt được cơ hội như TBS Group. "Với số vốn đầu tư cho một nhà máy không dưới 10 triệu USD, rõ ràng doanh nghiệp không những phải mạnh về kỹ năng điều hành mà còn phải mạnh về tài chính mới dám tham gia cuộc chơi này" - ông Kiệt nhận định.
Theo kinhte24h.com