Nếu không
khắc phục được việc nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu, ngành dệt may
Việt Nam sẽ mất dần khách hàng khi xu hướng mua hàng của các nhà nhập
khẩu lớn trên thế giới đang dần thay đổi.
Đó là cảnh
báo của bà Jocelyn Trần, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại TPHCM
(Amcham) đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo "Xây dựng nguồn
cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may phục vụ sản xuất" tổ chức sáng
15-4.
Bà Trần lập luận rằng, xu hướng hiện nay của các nhà mua hàng lớn tại
Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu là chọn những doanh nghiệp có khả năng
sản xuất trọn gói, từ kéo sợi, dệt vải cho đến cắt, may thành phẩm.
Thậm chí còn phải thực hiện logistic hay giao hàng từ nhà máy đến tận
cửa hàng bán lẻ. Quá trình này giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại
cho các nhà mua hàng so với việc đặt hàng theo phương thức gia công
(cung cấp mẫu mã, kiểu dáng, nguyên phụ liệu và nhận hàng thành phẩm).
Trong khi đó, Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu hàng dệt may
nhiều nhất vào Mỹ nhưng lại là quốc gia duy nhất không dùng nguyên phụ
liệu trong nước. Vì vậy, nếu doanh nghiệp may Việt Nam không khắc phục
được nhược điểm này sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh, mất dần khách hàng và
bị các đối thủ cạnh tranh vượt qua.
Trên thực tế, hiện cũng đã có một số nước nhập khẩu đưa
yêu cầu về nguyên phụ liệu vào trong điều kiện bắt buộc khi nhập hàng.
Ví dụ, hàng dệt may xuất khẩu vào Nhật Bản được hưởng thuế suất theo
Hiệp định thương mại Việt Nam - Nhật Bản (VJCEP), ngoài yêu cầu phải
được cắt, may tại Việt Nam còn phải đáp ứng điều kiện vải phải được dệt
tại Việt Nam hoặc nhập khẩu từ Nhật hay từ các nước thành viên ASEAN.
Cũng theo bà Trần, do không chủ động được nguồn cung ứng nguyên phụ
liệu nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công theo đơn hàng
của công ty nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc không tự quyết định
được vận mệnh của mình, ít có khả năng cạnh tranh, khó thích ứng khi có
những thay đổi và đặc biệt là thu về giá trị thấp.
Đại diện Amcham cũng cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh
tranh với nhiều đối thủ, trong đó đáng lưu ý nhất là Indonesia khi đây
là nước có nguồn nguyên phụ liệu dồi dào, các doanh nghiệp hiểu sâu về
thị trường xuất khẩu và chủ yếu là làm FOB (mua nguyên liệu, bán thành
phẩm). Bên cạnh đó, Indonesia còn được đánh giá có đội ngũ công nhân
lành nghề, đồng đều và sử dụng các dây chuyền công nghệ sản xuất tốt hơn
công nhân Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2009, Việt Nam đã
nhập khẩu lượng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trị giá 9,63 tỉ đô la
Mỹ, trong đó bông chiếm 417 triệu đô la, sợi chiếm 723 triệu đô la, vải
chiếm 4,1 tỉ đô la, các loại phụ liệu chung cho dệt may và da giày chiếm
2,19 tỉ đô la, chất dẻo làm sợi tổng hợp chiếm 2,2 tỉ đô la.
Điều đáng nói là nhiều loại nguyên phụ liệu trong nước sản xuất được
nhưng vẫn nhập khẩu do hàng trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất
lượng, mẫu mã. Bên cạnh đó, còn do giá thành của hàng trong nước cao
hơn 5% so với hàng nhập khẩu cùng chủng loại, mà nguồn hàng lại không ổn
định... |