Dệt may giữ vững nhịp tăng trưởng cao

Det may giu vung nhip tang truong cao

Cho dù giá bán các sản phẩm dệt may chưa trở lại được thời kỳ đỉnh cao nhưng xuất khẩu dệt may vẫn đang đạt được những mục tiêu đề ra và kỳ vọng đạt 10,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2010 sẽ hoàn thành.
 
Đến giữa tháng 3/2010, ngành dệt may đã xuất khẩu được hơn 1,860 tỷ USD, nếu so với dự kiến kim ngạch xuất khẩu là 2,163 tỷ cho quý 1/2010 thì khả năng thực tế của toàn ngành có thể đạt được là 2,250 tỷ USD, nhiều hơn con số dự kiến khoảng 80-90 triệu USD. Kết quả này sẽ giúp ngành dệt may giữ được nhịp độ tăng trưởng từ 17 đến 18% của ba tháng đầu năm.
 
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết: “Nửa đầu tháng 3, ngành đã có đơn hàng xuất khẩu gần 400 triệu USD nên về phương diện xuất khẩu thì sẽ vượt so với dự kiến đã đăng ký với Bộ Công Thương và với tốc độ tăng trưởng 17,8% cũng vượt so với mức độ cần yêu cầu của năm nay để đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD xuất khẩu đối với ngành dệt may. Với quý 2/2010, tình hình đơn hàng có nhiều tín hiệu vui và khả năng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng như quý 1. Được biết, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng hoạt động đến hết quý 2/2010, điều này sẽ góp phần không nhỏ vào sự ổn định tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2010.
 
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký hợp đồng đến hết quý 3/2010, thậm chí hết năm với các nhà nhập khẩu với lượng đặt hàng khá lớn. Hiện, các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng cho mùa vụ thu đông sắp tới.
 
Về đặc thù của thị trường, theo ông Trường, dù có những tín hiệu phục hồi nhưng chưa thật sự rõ nét, chủ yếu tăng một chút về lượng chứ giá bán chưa thấy tăng cao. Đơn giá trung bình của quý 1/2010 chỉ tăng khoảng 2-3% chứ không phải tăng mạnh mẽ như một số mặt hàng khác. Điều này được minh chứng khi giá áo thun xuất khẩu trung bình trong 2 tháng giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,96 USD/cái, giá FOB.

Ông Trường chia sẻ: Hiện tại, nếu so sánh 3 mức tiêu dùng cơ bản trước đây như người Mỹ ở thời kỳ đỉnh cao năm 2007-2008 là tiêu dùng cho quần áo đạt khoảng 76 USD/tháng thì đến đáy trong khủng hoảng là 66 USD và hiện tại mới chỉ tăng lên khoảng 70-71 USD. Tức là mức phục hồi chưa quay lại được chỉ số tiêu dùng như thời kỳ hoàng kim trước đó. Vì thế, để giữ được kim ngạch xuất khẩu tăng 17-18% thì nhu cầu nguyên vật liệu cũng tăng tương ứng. Điều này lý giải cho việc nhập khẩu của ngành dệt may những tháng qua. Nếu so với kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm thì việc nhập khẩu bông, vải, sợi còn tăng cao hơn bởi nguyên liệu phải nhập trước cho việc chủ động thực hiện đơn hàng. Do giá nguyên liệu thế giới trong giai đoạn vừa rồi tăng rất nhanh, đặc biệt là giá bông đã tăng 35%.
 
Quý 1/2020, Tập đoàn và Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu sớm nguyên liệu do dự báo về nhu cầu nguyên vật liệu sẽ còn tăng. Vì thế, nếu nhìn vào biểu đồ về nhập khẩu bông thì tháng 2 đã có mức tăng đột biến, nhập nhiều hơn cả quý 1/2009. Thực tế đã cho thấy, việc nhập bông nhiều vào quý 1 vừa rồi khá hiệu quả bởi với đơn giá thấp so với hiện nay thì hàng dệt may trong nước có sức cạnh tranh hơn. Nếu với mức trung bình của giá bông của dệt may nhập trong quý 1 khoảng 1,6 USD/kg thì hiện lên tới 1,9 USD thì các doanh nghiệp trong nước đã có những lợi thế nhất định.
 
Chắc chắn trong quý 2 này, việc nhập khẩu các nguyên liệu này sẽ không tăng cao như quý 1. Trong việc kiềm chế nhập siêu, tập đoàn vẫn đẩy mạnh việc kiểm soát việc dùng nguyên liệu nội địa, đồng thời cũng tập trung vào dự báo rất kỹ giá cả nguyên liệu thế giới để có thời điểm nhập khẩu hợp lý, đảm bảo nhập đủ lượng dùng nhưng giá trị thấp hơn.
 
Dự báo về xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may trong năm 2010, ông Lê Quốc Ân, cho biết, đơn hàng sẽ dồi dào hơn so với năm 2009 do nhiều nhà nhập khẩu tăng số lượng đặt hàng, nhưng khó khăn, trở ngại vẫn còn nhiều. Trong đó, ngoài khó khăn về vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất, doanh nghiệp còn gặp áp lực tăng lương cho người lao động, nếu không sẽ không thể thu hút và giữ chân lao độn.

(Theo Công Thương)

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)