Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cao, đơn hàng gần như đã đủ đến cuối năm nhưng nhân công lại thiếu, điều này đặt các doanh nghiệp dệt may trước một cuộc đua mới. Với mục tiêu mới cao hơn (đạt 10,5 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010 trong khi mục tiêu năm 2009 chỉ là 9,5 tỉ USD), nhiều doanh nghiệp dệt may đã tìm đến những hướng đi táo bạo: Đầu tư, thay đổi cơ cấu và chấp nhận gia công những sản phẩm không phải là thế mạnh. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, khẳng định, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn là 3 thị trường chính của dệt may trong năm 2010 và mục tiêu 10,5 tỉ USD vẫn có thể hoàn thành nếu đơn hàng ổn định và các chính sách cho vay vốn ngân hàng thuận lợi như hiện nay. Hiện 80% doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết quý II và nhiều đơn hàng đã được xúc tiến ký kết trong quý III.
Thị trường năm 2010: đầy thách thức
Cuối năm 2009, thị trường dệt may có nhiều biến động. Lượng đơn hàng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải chạy vắt chân lên cổ. Nguyên nhân chính là việc thừa hưởng đơn hàng từ Trung Quốc. “Chỉ cần 3-5% đơn hàng từ Trung Quốc cũng đã đủ cho thị trường Việt Nam gia công trong thời gian dài”, ông Hồng cho biết.
Bước sang năm 2010, sau 2 tháng đầu, dệt may tiếp tục giữ vững phong độ như cuối năm 2009 với vị trí thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu, chiếm 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (chỉ sau sản phẩm sữa với 50,8%). Xuất khẩu qua các thị trường chủ lực như Nhật Bản tăng 20% so với cuối năm 2009, Mỹ tăng 10%... Một thị trường không mới nhưng được đánh giá là nhiều tiềm năng, Trung Đông, tuy chưa có con số thống kê gần đây nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang đây hồi cuối năm 2009 tăng 18-20% so với cùng kỳ năm 2008.
Theo ông Trần Văn, Phó Giám đốc Công ty May Thêu Giày dép WEC SG, chuyên xuất khẩu sang các nước Ả Rập, thị trường dệt may năm 2010 sẽ có nhiều thách thức. Nhân công thì đang thiếu hụt trầm trọng nhưng lượng đơn hàng lại tăng cao. Thêm vào đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay lại khá cao (tăng 10,5% so với năm 2009). Hiện Công ty đã có đơn hàng đến gần cuối năm, cao hơn gần 1/3 so với cùng kỳ năm 2009.
Đại diện May Sài Gòn 3 cũng cho biết, đã có đủ đơn hàng sản xuất đến quý II và III, quý IV thì mới thỏa thuận xong. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất của Công ty lúc này cũng chính là nhân công. Lượng nhân công đang ồ ạt về tỉnh, tìm việc tại những khu công nghiệp mới. Theo ông Hồng, Công ty đang thiếu khoảng 200 công nhân, một con số không phải dễ tìm trong thời điểm này.
Thay đổi chiến lược truyền thống
Tình trạng trên của WEC SG và May Sài Gòn 3 cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp dệt may đang tìm hướng giải quyết.
Dự đoán được tình hình, Công ty May Sài Gòn (Garmex Saigon) đã xây dựng thêm nhà máy mới tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ đầu năm 2009 nhằm thu hút nhân công mới. Công ty còn xây dựng khu nhà ở cho họ và tăng mức lương cơ bản. Đối với những công nhân hiện có, Công ty chăm lo đời sống bằng việc tiết kiệm nguồn chi phí sản xuất để tăng lương.
Trong khi đó, WEC SG lại tiến lên cao nguyên, hợp tác với Công ty May Đắk Lắk để thành lập Công ty May Tây Nguyên. Với mức gia công dự kiến là 30% đơn hàng của WEC SG, May Tây Nguyên sẽ tranh thủ nguồn nhân công tại tỉnh, khoảng 500 người, nhưng hiện nay mới chỉ tuyển được 150 công nhân. WEC SG còn mở thêm xưởng sản xuất nhỏ tại Trà Vinh, cố gắng tận dụng nguồn nhân công tại chỗ. Kim ngạch xuất khẩu của WEC SG năm 2009 đạt 6 triệu USD, dự kiến năm 2010 sẽ ở mức 10 triệu USD.
Ngoài ra, để mở rộng quy mô sản xuất, hai công ty May Sài Gòn và May Sài Gòn 3 đã áp dụng “lean manufacturing”. Đây là phương pháp sản xuất tinh gọn, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm, giải quyết các khâu sản xuất thường bị ứ đọng trước đây. Riêng May Sài Gòn 3 đã đầu tư hơn 5 tỉ USD vào máy móc sản xuất. Mức đầu tư này không nhỏ nhưng giúp doanh nghiệp tăng sản lượng và chuẩn hóa quá trình sản xuất Nâng cao tỉ trọng sản xuất FOB (chủ động về nguyên liệu để bán ra thành phẩm, thay vì gia công sản phẩm đặt trước) là mục tiêu trong năm 2010 cũng như về lâu dài mà hầu hết các công ty đang hướng đến. “Tỉ trọng FOB năm nay của May Sài Gòn 3 sẽ tăng lên 65% hoặc 70% so với 40% năm 2009”, ông Hồng cho biết. Trong khi đó, ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc May Sài Gòn, nhấn mạnh: “Mức tăng FOB của công ty chúng tôi sẽ từ 70% lên 90%”.
Một vấn đề khác cũng được các doanh nghiệp quan tâm là thị trường. Đại diện May Sài Gòn 3 cho biết, Công ty sẽ tiếp tục tấn công mạnh vào thị trường Nhật Bản, còn May Sài Gòn thì tập trung vào thị trường châu Âu. Trong khi đó, WEC SG tỏ ra linh động hơn khi một mặt vẫn giữ thị trường Trung Đông với các mặt hàng truyền thống cho người Hồi giáo, mặt khác không ngừng tìm kiếm thị trường mới với sản phẩm thông thường (quần, áo sơ mi...) nhằm tăng sản lượng, đồng thời dự phòng thị trường biến đổi bất thường.
Hiện đa số các công ty lớn tập trung liên kết với các công ty vệ tinh (công ty nhỏ hoặc sản xuất lâu đời) để tận dụng nhân công và giảm giá thành
(Theo stockbiz.vn) |