Ngành dệt may bứt phá thành công năm 2009

Ngành d?t may b?t phá thành công nam 2009


Năm 2010, ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 10,5 tỷ USD, tăng trưởng 12%.

Năm qua, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành hàng gặp nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn là một năm đầy thành công đối với ngành dệt may Việt Nam.

Kim ngạch cả năm 2009 đạt 9,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2008, trong điều kiện xuất khẩu của cả nước tăng trưởng “âm”, đưa dệt may nằm trong top dẫn đầu những mặt hàng xuất khẩu của cả nước. Không những thế, thời trang Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 6 của Liên đoàn thời trang châu Á (AFF).


Phía trước là cơ hội


Đây là kết quả đáng khích lệ của ngành dệt may trong điều kiện sức mua của nhiều thị trường lớn trên thế giới giảm và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam đều giảm như da giày, đồ gỗ, thủy sản...


Riêng với thị trường Mỹ, do đơn giá giảm, nên kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2009 giảm 5% so với năm 2008, nhưng tăng 18-19% về khối lượng.


Hàng dệt may của Việt Nam vẫn có lợi thế hơn so với các nước xuất khẩu khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan với mức giảm từ 10%-25%. Còn tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng từ 23% đến 25%.


Các nhà nhập khẩu Nhật Bản đánh giá cao tính ổn định, trình độ tay nghề của công nhân, cũng như chất lượng, mẫu mã phong phú, đa dạng của hàng dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã xây dựng mối quan hệ lâu dài và làm ăn khá thành công với thị trường Nhật Bản như Dệt kim Đông Xuân, Dệt May Nam Định, Dệt kim Đông Phương, Tổng Công ty cổ phần Phong Phú...


Riêng dệt kim Đông Xuân đã quan hệ hợp tác với Nhật Bản từ 20 năm nay, trong năm 2009, Dệt kim Đông Xuân đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng gấp 2 lần so với năm trước và vừa qua đã ký kết thêm 10 năm nữa.


Theo ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), tiến bộ đáng kể nữa là doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã có thể xuất khẩu một số loại nguyên phụ liệu thay vì hoàn toàn nhập khẩu như trước đây. Các dòng sản phẩm mới như vải, xơ polyester, phụ liệu, sợi... được xuất khẩu sang thị trường Nhật, Đài Loan, Trung Đông.

Đặc biệt, nếu trước đây doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường phải nhập khẩu sợi từ Trung Quốc thì đến nay đã có sản phẩm sợi xuất khẩu ngược trở lại thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dệt vươn lên làm ăn có lãi.



Bên cạnh việc xuất khẩu những mặt hàng may mặc thông thường, doanh nghiệp Việt Nam đã tăng xuất khẩu sản phẩm may mới, có tính truyền thống như lụa tơ tằm vào những thị trường khó tính, kể cả Trung Quốc.


Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng số lượng các doanh nghiệp sản xuất hàng FOB, tự thiết kế mẫu dù chưa nhiều, nhưng đó là tiền đề để Việt Nam vươn lên, thoát khỏi tình trạng chỉ làm gia công.


Hiệp hội Dệt may và Da giày đang phối hợp để xây dựng chương trình đưa hình ảnh ngành thời trang Việt Nam ra thế giới, trong đó có đội ngũ các nhà sản xuất “năm sao”. Ông Ân phân tích: “năm sao” có nghĩa là chất lượng, tính đáp ứng nhanh, mối quan hệ lao động và môi trường, sức khỏe người lao động đều tốt để tìm kiếm nhà nhập khẩu “năm sao”.


Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý I, thậm chí là quý II năm 2010.


Thị trường nội địa: Điểm tựa doanh nghiệp dệt may


Chính những khó khăn về xuất khẩu trong năm 2009 cũng như trong thời gian tới, đã khiến nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mạnh cho thị trường nội địa.


Nỗ lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu để dành lấy phần thị trường đang bị co hẹp và đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa là chiến lược hành động thành công của hầu hết các doanh nghiệp dệt may.


Năm qua, doanh thu từ thị trường nội địa của các đơn vị thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 26% so với năm trước.


Các doanh nghiệp đã tập trung đổi mới toàn diện chiến lược phục vụ người tiêu dùng thông qua nghiên cứu thị trường, thị hiếu, tăng cường công tác thiết kế thời trang và sản phẩm mới, tổ chức dây chuyền sản xuất chuyên biệt phù hợp, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị tại các thành phố lớn kết hợp với chương trình đưa hàng về nông thôn, tăng uy tín thương hiệu...


Rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm và hệ thống cửa hàng rộng khắp cả nước như Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng, Thái Tuấn, An Phước, Sanding, Foci, Vera, Wow, F House, Nino Maxx...

Các thương hiệu cao cấp như Sanciaro, Mahattan, N&M đang xuất hiện cùng những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới. Hiện nay, may Nhà Bè đang có kế hoạch chi tới 12 tỷ đồng, may Việt Tiến đầu tư 10 tỷ đồng cho hoạt động phát triển thương hiệu.

Bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè cho biết, Tổng công ty đã thành lập trung tâm với 30 nhà thiết kế trẻ, dưới sự dẫn dắt của những nhà thiết kế nổi tiếng Việt Nam và nước ngoài. Kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư máy móc thiết bị và công nghệ với hệ thống quản lý chất lượng tốt để sản xuất hàng phục vụ thị trường trong nước.


Với những kinh nghiệm tích lũy được trong năm 2009, thị trường nội địa sẽ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.


Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, ngành dệt may Việt Nam sẽ tập trung chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là những người làm thiết kế thời trang.

(Theo Vietnam+)

Tin liên quan

      Xuất khẩu dệt may, da giày: Tăng trưởng nhưng không lạc quan  (Ngày đăng: 10/03/2010)
      Sự ra đời của chiếc máy khâu  (Ngày đăng: 15/09/2009)