Trái với sự sụt giảm xuất khẩu của nhiều mặt hàng trong 2 tháng đầu năm
2010, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày có kim ngạch
xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong khi xuất khẩu
nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm 23,5%, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng
sản giảm 29,9%, hàng công nghiệp chế biến giảm 33,4%, thì kim ngạch dệt
may xuất khẩu tăng tới 16,8%, đạt 1,51 tỷ USD và xuất khẩu da giày, vốn
bị giảm 15% kim ngạch trong năm 2009, cũng đã bắt đầu lấy lại đà tăng,
dù ở mức khiêm tốn 4%, đạt 680 triệu USD.
Dệt may được đánh giá cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu
cao. Theo báo cáo của Bộ Công thương, hai tháng đầu năm 2010, dệt may
là ngành sản xuất ổn định và có tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ
năm trước, đặc biệt là mặt hàng vải dệt từ sợi bông ước đạt 33,1 triệu
m2, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là tỷ lệ nội địa hoá các
sản phẩm may xuất khẩu ngày càng cao.
Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được
đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II/2010, khác hẳn với cảnh thiếu đơn hàng
trầm trọng hồi quý I, quý II/2009. Điều này hứa hẹn khả năng tăng
trưởng xuất khẩu ổn định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ
phần Dệt may Huế, dù đã ký được đơn hàng đến hết tháng 5/2010, với số
lượng đơn hàng không phải nhỏ, nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ dám đặt
mục tiêu tăng xuất khẩu 1 triệu USD so với năm 2009.
Ông Quang cho biết, với thông tin tăng giá các sản phẩm đầu
vào như điện, than, xăng dầu, gánh nặng về chi phí sản xuất tăng sẽ đè
nặng lên vai doanh nghiệp, càng khiến họ thận trọng và tính toán kỹ kế
hoạch hoạt động, cố gắng cắt giảm tối đa chi phí trong sản xuất.
Dự báo về xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may năm 2010, ông
Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đơn
hàng sẽ dồi dào hơn so với năm 2009 do nhiều nhà nhập khẩu tăng số lượng
đặt hàng, nhưng khó khăn, trở ngại vẫn còn nhiều. Trong đó, ngoài khó
khăn về vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất, doanh nghiệp còn gặp áp lực
tăng lương cho người lao động, nếu không sẽ không thể thu hút và giữ
chân lao động. Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng về lao động, nếu
doanh nghiệp may mắn tuyển đủ người, thì còn phải bỏ thời gian và chi
phí đào tạo đối với lao động tuyển dụng mới, nhưng chưa có nghề.
So với dệt may, xuất khẩu ngành da giày năm 2010 được nhận
định là gặp khó khăn hơn rất nhiều. Với mục tiêu xuất khẩu 4,6 tỷ USD,
tăng khoảng 13-15% so với năm 2009, trung bình mỗi tháng, xuất khẩu da
giày phải đạt 383 triệu USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm, dù kim ngạch
tăng 4%, nhưng trung bình mỗi tháng mới đạt 340 triệu USD.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, mặt hàng giày mũ da xuất
khẩu vào thị trường EU vẫn bị áp thuế chống bán phá giá, các sản phẩm
của ngành da giày xuất khẩu sang thị trường EU không còn được hưởng ưu
đãi thuế quan GSP.
Về khó khăn của ngành da giày, ông Nguyễn Hữu Thuấn, Chủ tịch
Hiệp hội Da giày Việt Nam còn cho biết, hạn chế nhất của ngành da giày
Việt Nam là không chủ động được nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp chủ
yếu đều phải làm gia công cho đối tác nước ngoài, năng lực thiết kế, cán
bộ kỹ thuật có trình độ cao còn thiếu.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, phân khúc thị trường giá rẻ
ở các nước phát triển giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi cũng là một
thách thức lớn với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Ngành da giày tiếp
tục đối diện với tình trạng khát lao động, áp lực về tăng lương, tăng
chi phí sản xuất do giá đầu vào tăng.